Du lịch ngày càng phát triển mạnh mẽ, vậy nên, các ngành học liên quan đến lĩnh vực du lịch như ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành ngày càng được nhiều thí sinh quan tâm lựa chọn. Tuy nhiên, rất nhiều người lại chưa biết ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành sẽ học những gì? ra trường sẽ làm gì?. Hãy cùng chúng mình giải đáp những thắc mắc đó của các bạn nhé.
Nội Dung Chính
Ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành là gì?
Ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành là lĩnh vực chịu trách nhiệm liên quan tới tổ chức, quản lý và vận hành các hoạt động trong lĩnh vực du lịch, từ thiết kế tour, điều hành tour, thiết kế các chương trình du lịch, tổ chức sự kiện, quảng bá du lịch đến quản lý khách sạn và khu nghỉ dưỡng để đảm bảo chất lượng lưu trú. Bên cạnh đó, người quản lý phải phân công công việc cho các hướng dẫn viên, nhận thông tin phối hợp với các bộ phận, cơ quan chức năng để giải quyết các phát sinh.
Ngoài ra, ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành còn liên quan đến quản lý các hãng hàng không và nhà ga để đảm bảo việc di chuyển và vận chuyển, cùng với việc nghiên cứu các xu hướng và chiến lược phát triển bền vững cho ngành du lịch. Vì thế, ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành có một vai trò quan trọng trong việc phát triển và thúc đẩy ngành du lịch.
Ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành học những gì?
Chuyên ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành sẽ giúp sinh viên tìm hiểu rõ hơn về hành vi du lịch, cấu trúc và chức năng của tất cả các lĩnh vực thuộc ngành du lịch. Sinh viên cũng sẽ được học về các vấn đề quản lý chính của du lịch bao gồm quản lý chiến lược, tiếp thị và quản lý rủi ro, pháp lý, quản lý nguồn nhân lực, các khía cạnh công nghệ và môi trường của du lịch.
Không những thế, cung cấp cho sinh viên kiến thức chuyên sâu và toàn diện về quản trị du lịch, khả năng nhận biết được xu thế chính, các yếu tố tác động đối với tổ chức/doanh nghiệp trong ngành dịch vụ du lịch, phát triển năng lực phân tích đánh giá tính hiệu quả của hoạt động du lịch và giải quyết các vấn đề vận hành và chiến lược cùng các năng lực nghề nghiệp đa dạng, giúp cho sinh viên đáp ứng tốt với đòi hỏi khắt khe của thị trường nhân lực ngành du lịch trong nước và khu vực.
Sinh viên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành sẽ được trang bị những kiến thức nền tảng về chuyên ngành du lịch có thể bao gồm:
- Cơ sở du lịch
- Địa lý du lịch
- Văn hóa du lịch
- Lịch sử du lịch
- Kinh tế du lịch
- Pháp luật du lịch
- Du lịch bền vững
- Marketing du lịch
- Quản trị lữ hành
- Quản trị khách sạn
- Quản trị sự kiện
- Quản trị nhà hàng
- Quản trị nhân sự
- Quản trị dự án du lịch
- Phát triển sản phẩm du lịch
Ngoài ra, sinh viên cũng được chuẩn bị các khối kiến thức bổ trợ liên quan đến ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành:
- Điều hành tour
- Nghiệp vụ hướng dẫn du lịch
- Tuyến điểm du lịch
- Quản lý vận chuyển
- Quản lý chất lượng dịch vụ
- Quản trị buồng phòng
- Du lịch di sản
- Du lịch MICE
- Phong tục tập quán và truyền thống
- Du lịch tín ngưỡng, tôn giáo
Ngành Quản trị kinh doanh:
- Quản trị chiến lược
- Quản trị tài chính
- Quản trị kinh doanh quốc tế
- Hành vi tổ chức
- Lãnh đạo trong doanh nghiệp
Ngành Marketing:
- Xây dựng và quản trị thương hiệu
- Marketing dịch vụ
- Marketing kỹ thuật số
Thực tập khách sạn và du lịch.
Bên cạnh đó, sinh viên còn được trau dồi những kĩ năng cần thiết trong ngành du lịch như:
- Kỹ năng giao tiếp: Giao tiếp hiệu quả với khách hàng, đồng nghiệp, cấp trên,…
- Kỹ năng giải quyết vấn đề: Phân tích tình huống, đưa ra giải pháp phù hợp,…
- Kỹ năng làm việc nhóm: Hợp tác hiệu quả với đồng nghiệp để hoàn thành mục tiêu chung,…
- Kỹ năng quản lý thời gian: Sắp xếp công việc hợp lý, đảm bảo tiến độ công việc,…
Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành ra trường làm gì?
Theo nhận định của các chuyên gia, ngành du lịch đang rất cần một lượng lao động lớn bởi sự phát triển ngày càng mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) cho biết, ngành du lịch cần khoảng 485.000 lao động trong cơ sở lưu trú du lịch. Dự báo đến năm 2025, khối cơ sở lưu trú du lịch cần khoảng hơn 800.000 lao động. Đến năm 2030 là hơn 1 triệu người, trung bình cần bổ sung 60.000 lao động/năm. Vì vậy, sinh viên tốt nghiệp ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành sẽ có rất nhiều vị trí công việc, bao gồm:
- Chuyên viên kinh doanh du lịch
- Chuyên viên Marketing du lịch
- Nhân viên thiết kế tour
- Nhân viên điều hành tour tại các công ty du lịch trong nước và quốc tế
- Sale tour
- Hướng dẫn viên du lịch
- Lễ tân khách sạn
- Quản lý bộ phận nghiệp vụ, quản lý buồng phòng khách sạn
- Quản lý phòng điều hành và các vị trí khác trong doanh nghiệp lữ hành
- Giảng viên du lịch
- Tự tạo dựng doanh nghiệp du lịch