Myanmar, một đất nước có nền văn hóa phong phú và lâu đời, là nơi có nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc, phản ánh sâu sắc các giá trị tôn giáo, tín ngưỡng và phong tục tập quán của người dân nơi đây. Các lễ hội ở Myanmar không chỉ là dịp để người dân tụ họp, vui chơi mà còn là thời điểm thể hiện sự kính trọng với tổ tiên và thần linh, cùng với những nghi lễ tôn giáo mang đậm bản sắc văn hóa Phật giáo.
Bài viết này sẽ đưa bạn khám phá các lễ hội Myanmar nổi bật trong từng tháng, giúp bạn hiểu rõ hơn về những sự kiện văn hóa không thể bỏ lỡ tại đất nước này. Mỗi tháng trong năm, Myanmar đều có những lễ hội đặc trưng riêng, từ những lễ hội tôn giáo trang nghiêm cho đến những lễ hội mùa xuân đầy màu sắc và rộn ràng.
Nội Dung Chính
- 1 Các lễ hội trong Tháng Giêng
- 2 Các lễ hội của Myanmar trong tháng 2
- 3 Các lễ hội nổi bật trong tháng 3
- 4 Tháng 4 – Các lễ hội mừng kết thúc mùa khô
- 5 Tháng 5: Lễ hội tưới cây Bồ đề
- 6 Tháng 6: Lễ hội chùa Pakokku Thiho Shin
- 7 Hai lễ hội tiêu biểu của Myanmar tháng 7
- 8 Tháng 8 – tháng của các lễ hội tâm linh
- 9 Tháng 9: Lễ hội chùa Manuha
- 10 Các lễ hội độc đáo trong tháng 10:
- 11 Tháng 11 – tháng của nhiều lễ hội độc đáo
- 12 Tháng 12: Lễ chùa Kyaik-Hti-Yo
- 13 Kết luận
Các lễ hội trong Tháng Giêng
Lễ Hội Naga Tết mới
– Thời gian: 3 ngày, từ 14 tới 16 tháng Một hàng năm
– Địa điểm: Được tổ chức luân phiên giữa ba địa điểm: Leshi, Lahe, và Nanyun của Khu Sagaing
Hàng năm, Lễ hội Tết Naga diễn ra vào tháng 1 là dịp tuyệt vời để du khách trong các tour du lịch Myanmar tìm hiểu thêm về người Naga. Lễ hội này là một trong những kỳ hội hiếm hoi ở Miến Điện. Được tổ chức thường niên từ ngày 14 tới ngày 16 tháng Một, địa điểm tổ chức sẽ được luân chuyển qua lại giữa ba thị trấn của người Naga (Leshi, Lahe và Nanyun, Khu Sagaing). Hơn 49 bộ tộc mặc trang phục truyền thống đặc trưng của họ sẽ tụ hội lại để mừng Năm Mới. Dân địa phương chúc người thân và bè bạn bao lời lành, cùng múa hát theo các ca khúc dân gian trong suốt hai ngày. Du khách sẽ được ngắm nhìn các bộ tộc này nói chuyện với nhau bằng thổ ngữ của họ. Họ có cơ hội hòa cùng dân địa phương ăn mừng kỳ lễ hội này.
Lễ hội Kachin Manaw
– Thời gian: được tổ chức trong một ngày, thường rơi vào tuần đầu tiên của tháng Một
– Địa điểm: Myintkyina, Bang Kachin
Lễ hội do người Kachin tổ chức, một trong những nhóm dân tộc chiếm đa số ở Myanmar, thu hút người Kachin từ khắp nơi trên thế giới về quê hương để tham dự và sum vầy cùng gia đình, bạn bè. Lễ hội diễn ra tại Myitkyina, thủ phủ của Bang Kachin. Trong dịp này, người Kachin thể hiện điệu múa Manaw, một điệu múa truyền thống để tôn vinh các linh thần Nat từ lâu đời. Cột Manaw, được trang trí tinh xảo với các họa tiết và hoa văn đẹp mắt, sẽ được dựng lên ở trung tâm sân lễ hội. Mọi người tham gia múa xung quanh cột Manaw, khoác trên mình trang phục truyền thống để chào đón Năm Mới. Du khách cũng thường được mời tham gia vào các điệu múa và hát cùng người dân địa phương trong không khí vui tươi của lễ hội.
Lễ chùa Ananda
– Thời gian: Được tổ chức trong 15 ngày xuyên suốt kỳ rằm Pyatho cho tới ngày 15 Pyatho trăng khuyết
– Địa điểm: Bagan, Khu Mandalay
Lễ hội diễn ra tại Chùa Ananda, một truyền thống đã được bảo tồn qua nhiều thế hệ từ thời kỳ Bagan. Người dân địa phương vẫn duy trì phong tục tham gia lễ hội theo cách cổ truyền của họ, thường di chuyển đến chùa bằng xe bò và dựng trại sinh hoạt cùng các dân làng khác trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Bên cạnh ý nghĩa tôn giáo, lễ hội còn là dịp để cộng đồng tụ họp, gắn kết và gặp gỡ bạn bè, người thân. Đây là thời điểm để mọi người sum vầy và cùng tham dự lễ nghi. Lễ hội kéo dài 15 ngày, với ngày rằm âm lịch là thời điểm đông vui nhất. Du khách sẽ có dịp chứng kiến cảnh tượng người dân và Phật tử tụ tập tại Chùa Ananda linh thiêng ở Bagan để thực hiện các nghi lễ cúng bái. Ngoài ra, du khách cũng có thể thưởng thức các món ăn đặc sản của địa phương được bày bán trong suốt lễ hội, đồng thời cảm nhận được niềm vui rộn ràng và không khí lễ hội đặc biệt của đất nước.
Các lễ hội của Myanmar trong tháng 2
Lễ hội Htamane (Lễ hội nấu cơm)
– Thời gian: Tổ chức một ngày trong tháng Hai vào ngày Rằm Tabodwe
– Địa điểm: khắp cả nước
Htamane, hay còn gọi là Lễ Hội Cơm Nếp, được tổ chức rộng rãi trên toàn Myanmar vào tháng Hai. Người dân Miến Điện ăn mừng lễ hội này bằng cách cùng nhau nấu gạo nếp. Họ tập trung lại để tham gia cuộc thi nấu cơm, với mục tiêu nấu ra nồi cơm nếp ngon nhất. Vào sáng sớm ngày rằm, cơm nếp sẽ được dâng lên Phật Tổ. Sau đó, cơm nếp được phân phát cho những người tham gia lễ hội. Một buổi lễ trao giải cũng được tổ chức để vinh danh người chiến thắng – người nấu được nồi cơm ngon nhất. Thông qua lễ hội, du khách có cơ hội chứng kiến cuộc thi nấu cơm của người dân địa phương, đồng thời họ có thể cùng ngồi ăn cơm nếp, trò chuyện và tìm hiểu văn hóa của nhau.
Lễ hội cúng cô hồn Kogyikyaw
– Thời gian: 8 ngày, từ ngày mồng 3 trăng khuyết tới ngày mồng 10 trăng khuyết đầu tháng ở Tabaung
– Địa điểm: Pakhan, Thị Trấn Yayzagyo
Lễ hội này do những tín đồ thờ Nat (cô hồn) ở Myanmar tổ chức. Ko Gyi Kyaw Nat, một cô hồn vui vẻ, nổi tiếng với sở thích nhậu nhẹt và bài bạc, là vị thần được tôn thờ trong dịp lễ này. Những người thờ Ko Gyi Kyaw Nat sẽ cúng đồ ăn, thức uống và tiền để cầu xin phúc lành cho công việc làm ăn. Trong khi tổ chức lễ cúng, người dân địa phương cũng tham gia uống rượu và ăn những món đồ cúng dâng lên cô hồn. Du khách sẽ thấy nhiều gian hàng bán các món đồ cúng, trong đó phổ biến nhất là gà quay, món ăn mà người dân địa phương thường dùng để giải rượu sau khi cúng.
Lễ chùa Kyaik Khauk
– Thời gian: Được tổ chức trong 8 ngày vào ngày 8 trăng khuyết cho tới ngày rằm Tabodwe
– Địa điểm: Thanlyin, gần Yangon
Trong dịp lễ này, một hội chợ lớn thường được tổ chức bởi người dân địa phương để ăn mừng. Các thương nhân sẽ mang đến bán những sản phẩm truyền thống đặc trưng của Myanmar như đồ thủ công mỹ nghệ, sản phẩm từ lụa, và chén đĩa sơn mài. Những người buôn bán sẽ vận chuyển hàng hóa đến hội chợ bằng xe thồ, tạo ra một không gian văn hóa rất đặc sắc. Du khách không nên bỏ qua cơ hội tham gia hội chợ và mua các món đồ lưu niệm độc đáo ở đây. Vì lễ hội diễn ra tại một địa điểm linh thiêng, cả người dân địa phương lẫn du khách đều ăn mặc trang nghiêm để thể hiện sự tôn kính đối với di tích và tín ngưỡng. Trước khi vào những khu vực linh thiêng, mọi người phải cởi giày, điều này thể hiện sự trân trọng sâu sắc đối với truyền thống và phong tục của người dân Myanmar.
Các lễ hội nổi bật trong tháng 3
Lễ hội Panguni Uthiram
– Thời gian: Được tổ chức trong 10 ngày vào ngày Rằm Tabaung hoặc Tagu (tháng Ba hoặc Tư)
– Địa điểm: Chùa Đầm Sri Angata Eswari Munieswar, Làng Pelikha, Thị Trấn Kyuk Tan, Khu Yangon
Lễ hội do cộng đồng theo đạo Hin-đu ở Yangon tổ chức, là một trong những kỳ lễ lớn đối với người Hin-đu tại Myanmar. Lễ hội diễn ra vào tháng Ba tại Chùa Đầm Sri Angala Enswari Munieswar. Một trong những điểm đặc sắc của lễ hội là nghi thức đi trên lửa, khi người tham gia đi chân trần trên than đỏ. Sau khi thực hiện nghi lễ này, họ sẽ nhúng chân vào sữa dê và thoa nghệ lên chân. Người dân tin rằng việc đi trên than đỏ tượng trưng cho sự hành xác và hy sinh, giúp xua đuổi tà ma và mang lại may mắn. Đây là một trong những lễ hội truyền thống hiếm hoi còn được tổ chức ở Yangon, một thành phố đang phát triển, vì vậy nó càng trở nên đặc biệt, giữ gìn và làm sống lại những giá trị văn hóa truyền thống giữa nhịp sống đô thị hiện đại. Du khách sẽ được trải nghiệm một sự kiện đầy ấn tượng, đặc biệt là những ai yêu thích khám phá nền văn hóa và truyền thống phong phú của Myanmar.
Lễ xuất gia (Shinbyu)
– Thời gian: tổ chức 2 ngày trong các tháng Ta bodwe và Taboung (lúc đó các trường nghỉ lễ, thường rơi vào kỳ nghỉ hè tháng Ba và tháng Tư trước kỳ lễ hội té nước)
– Địa điểm: cả nước
Lễ Xuất Gia, hay còn gọi là Shinbyu, là một nghi lễ dành cho các cậu bé dưới 20 tuổi, được tổ chức rộng rãi khắp Myanmar vào tháng Ba. Trong lễ hội này, các cậu bé sẽ tham gia một hành trình ngắn do các sư sãi dẫn dắt để bắt đầu học đạo. Trong suốt quá trình huấn luyện tôn giáo, các cậu bé sẽ mặc áo nâu sòng giống như các sư, và tìm hiểu về Phật giáo tại các thiền viện. Đây là một trong những lễ nghi quan trọng và mang tính công quả lớn nhất ở Myanmar, nơi các gia đình tự hào khi đưa con trai vào thiền viện. Trước khi vào thiền viện, họ sẽ diễu hành qua các con phố trong thị trấn. Khi đến thiền viện, các cậu bé sẽ xin phép nhập đạo và thực hiện nghi thức cạo đầu. Lễ Xuất Gia thường được tổ chức vào dịp nghỉ hè, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong đời sống tôn giáo của các cậu trai.
Lễ chùa Shwedagon
– Thời gian: Tổ chức xấp xỉ một tuần lễ cho tới ngày rằm Tabaung
– Địa điểm: Yangon
Trong dịp lễ này, người dân địa phương sẽ cùng sư sãi tụng kinh tại phù đồ vàng nổi tiếng, nơi được cho là đang lưu giữ xá lợi chùm tóc của Phật Tổ. Các khách hành hương sẽ đi quanh phù đồ theo chiều kim đồng hồ, một nghi thức truyền thống có từ lâu đời, với niềm tin rằng ai làm như vậy sẽ được ban phúc. Lễ hội này được tổ chức ở Yangon vào tháng Ba. Người dân và tín đồ Phật giáo sẽ dệt các bộ cà sa bằng khung cửi và mặc chúng cho các tượng Phật. Sư sãi sẽ dẫn dắt tín đồ tụng kinh để thể hiện lòng tôn kính đối với Phật. Trong suốt lễ hội, người ta cũng đốt lửa quanh chùa, và khách hành hương sẽ thắp nến, đốt nhang cầu bình an. Ngoài ra, dân địa phương còn cúng dường chùa và các sư sãi bằng các nhu yếu phẩm như thực phẩm và vật dụng cần thiết.
Tháng 4 – Các lễ hội mừng kết thúc mùa khô
Lễ hội nước Tết Miến điện (Thingyan)
– Thời gian: Tổ chức 5 ngày thường từ 13 tới 17 tháng Tư
– Địa điểm: cả nước
Lễ hội này được tổ chức rộng rãi khắp Myanmar, kéo dài từ ngày 13 đến 17 tháng Tư. Người dân địa phương ăn mừng sự kết thúc của mùa khô và đón chào năm mới khi mùa mưa đến, khi các cánh rừng sẽ lại xanh tươi khắp nơi. Để biểu lộ niềm vui và chào đón mùa mưa, họ sẽ té nước vào gia đình, bạn bè và cả du khách có mặt tại lễ hội như một cách xua đuổi điềm xui và tà ma, đồng thời cầu chúc một năm mới may mắn. Vào ngày cuối cùng của lễ hội, mọi người sẽ thực hiện các hành động công quả, trong đó có việc phóng sinh như một cách để nhận phúc lành. Các gia đình và bạn bè trao nhau lời chúc tốt lành. Du khách chắc chắn sẽ cảm nhận được không khí vui tươi và đầy ý nghĩa của lễ hội này khi tham gia cùng người dân địa phương.
Tháng 5: Lễ hội tưới cây Bồ đề
– Thời gian: 1 ngày rằm Kason
– Địa điểm: các chùa trên cả nước
Vào tháng Năm, trong những ngày hè, các tín đồ Phật giáo khắp nơi tụ tập tại các chùa và đền thờ để chăm sóc những cây Bồ Đề thiêng liêng bằng cách tưới nước. Theo truyền thuyết, Đức Phật đã đạt được giác ngộ khi ngồi dưới một cây Bồ Đề. Khi Phật giáo lan rộng khắp thế giới, các cây Bồ Đề đã được trồng ở nhiều tu viện trên thế giới, lấy giống từ cây Bồ Đề gốc. Mỗi cây Bồ Đề đều được xem là linh thiêng và quý giá. Trong lễ hội, các sư sãi và tín đồ sẽ cùng nhau tưới nước cho những cây này như một phần của nghi lễ công đức. Họ sẽ đi quanh các khu vực tôn giáo để tưới nước cho các cây Bồ Đề, tiếp nối một nghi thức lâu đời đã được duy trì từ thời Đức Phật.
Tháng 6: Lễ hội chùa Pakokku Thiho Shin
– Thời gian: ngày 8 tháng Nayon, diễn ra trong 15 ngày.
– Địa điểm: Pakokku, miền trung Myanmar.
Bước vào kỳ lễ này du khách sẽ thấy tổ chức một hội chợ giống như lễ hội hóa trang và các buổi cầu kinh. Du khách và dân địa phương có thể cúng dường cho các sư và chùa.
Hai lễ hội tiêu biểu của Myanmar tháng 7
Tết Trung thu Waso
– Thời gian: ngày trăng tròn tháng Waso, kéo dài 15 ngày
– Địa điểm: cả nước
Lễ hội linh thiêng này được người dân địa phương rất coi trọng và thường được tổ chức vào tháng Sáu trên toàn quốc. Lễ hội nhằm tưởng nhớ ba cột mốc quan trọng trong cuộc đời của Đức Thích Ca Mâu-ni trước khi ngài đạt được giác ngộ và trở thành Phật Tổ. Cột mốc đầu tiên là sự kiện Đức Phật ra đời, cột mốc thứ hai là việc ngài rời bỏ cung điện, từ bỏ cuộc sống hoàng tử để đi tìm đường giác ngộ, và cột mốc thứ ba là bài thuyết pháp đầu tiên mà ngài giảng cho các đệ tử. Trong suốt lễ hội này, các sư sãi sẽ tiến hành tu tập suốt ba tháng tại thiền viện và không được phép đi bất kỳ nơi nào mà phải di chuyển quá một ngày đường, một quy định do chính Đức Phật đặt ra. Trong dịp lễ, các tín đồ Phật giáo sẽ cúng dường y phục và các vật dụng cần thiết cho các sư thầy trong thiền viện như một cách tạo công đức. Các sư sãi và ni cô sẽ dành cả ngày trong mùa mưa để tu hành, thiền tịnh và giảng pháp cho các tín đồ.
Lễ hội Warso Chin-Lone (Lễ hội Cầu mây)
– Thời gian: 48 ngày sau ngày rằm Waso
– Địa điểm: Khu Phức Hợp Chùa Maha Muni, Mandalay
Đây là sự kiện thể thao truyền thống lớn nhất Miến Điện. Được tổ chức hằng năm vào tháng Bảy ở Khu Phức Hợp chùa Maha Muni, Madanlay. Dân địa phương sẽ gặp nhau và thi đấu môn thể thao không đòi hỏi va chạm này. Trong môn đá cầu mây, trận đấu sẽ có sáu cầu thủ. Các cầu thủ sẽ chuyền quả cầu mây sao cho cầu không rơi xuống đất. Qua bộ môn thể thao này, các cầu thủ thể hiện kỹ thuật khéo léo và các động tác thể thao khó, bao gồm cú đá lộn người, đá xoay người, chồng cây chuối để giữ cho cầu không rơi. Các cầu thủ thi đấu đối kháng rất nhiệt tình vì họ sẽ cố trở thành đội thể hiện được kỹ năng điêu luyện nhất.
Tháng 8 – tháng của các lễ hội tâm linh
Cúng cô hồn Yadana Gu
– Thời gian: Được tổ chức 8 ngày trong tháng Tám từ ngày 1 tới ngày 8 trăng khuyết tháng Wanaung.
– Địa điểm: Amarapura, Mandalay
Lễ hội này thu hút nhiều đồng cô đồng cậu – những người thờ Nat (các cô hồn). Người ta tổ chức một số lễ nghi và tin rằng cô hồn Nat sau đó nhập vào các đồng cô đồng cậu. Lễ hội này được tổ chức cũng để tôn vinh nữ thần Popa. Dân địa phương tin rằng đây là nữ thần bảo vệ phụ nữ. Miếu thờ thần này nằm ở Đỉnh Popa. Các đồng cô đồng cậu sẽ múa và hát các bài hát cầu đồng trên nền nhạc lễ, còn thiện nam tín nữ tới dự lễ thì cúng lên cho Nat và nữ thần các loại đồ ăn, đồ uống, hoa và tiền bạc.
Cúng cô hồn Taung Pyone
– Thời gian: 8 ngày trong tháng Tám từ ngày 1 tới ngày 8 trăng khuyết tháng Wanaung.
– Địa điểm: Làng Taung Pyone, gần Mandalay
Theo truyền thuyết, ngôi làng này là nơi hành quyết hai anh em từng phục vụ cho một vị vua ở Bagan vào thế kỷ 11. Sau khi chết, hai anh em trở thành những linh hồn mạnh mẽ, được người dân thờ cúng cho đến ngày nay. Để làm vui lòng các linh hồn này, người dân sẽ dâng cúng các món ăn như thỏ nướng, gà chiên, cùng với rượu. Trong lễ hội, hàng vạn thầy cúng và tín đồ tụ tập để thờ cúng các linh hồn (Nat). Các thầy cúng sẽ cho phép mình bị các linh hồn nhập vào qua các điệu múa và bài hát nghi lễ. Ngoài ra, họ cũng nhận các khoản đóng góp từ người dân địa phương.
Tháng 9: Lễ hội chùa Manuha
– Thời gian: tổ chức 2 ngày trong tháng 9 từ một ngày trước ngày rằm Tawthalin
– Địa điểm: làng Myinkaba, Bagan, Mandalay
Theo truyền thuyết, ngôi làng này là nơi hành quyết hai anh em từng phục vụ cho một vị vua ở Bagan vào thế kỷ 11. Sau khi chết, hai anh em trở thành những linh hồn mạnh mẽ, được người dân thờ cúng cho đến ngày nay. Để làm vui lòng các linh hồn này, người dân sẽ dâng cúng các món ăn như thỏ nướng, gà chiên, cùng với rượu. Trong lễ hội, hàng vạn thầy cúng và tín đồ tụ tập để thờ cúng các linh hồn (Nat). Các thầy cúng sẽ cho phép mình bị các linh hồn nhập vào qua các điệu múa và bài hát nghi lễ. Ngoài ra, họ cũng nhận các khoản đóng góp từ người dân địa phương.
Các lễ hội độc đáo trong tháng 10:
Lễ hội Ánh sáng
– Thời gian: 3 ngày bắt đầu từ một ngày trước rằm Thadingyut, ngày rằm, rồi một ngày sau rằm
– Địa điểm: cả nước
Lễ hội bắt đầu vào ban đêm, khi hàng nghìn ánh đèn và nến được thắp sáng ở các tòa nhà và trên các con phố, nhằm chào đón sự hạ phàm của Phật Tổ từ thượng giới. Du khách sẽ bị cuốn hút bởi màn trình diễn ánh sáng rực rỡ trong suốt lễ hội. Những ngọn đèn và nến này tượng trưng cho con đường mà Phật Tổ sẽ đi khi ngài hạ phàm, sau khi đã thuyết pháp cho mẹ ngài ở cõi trời. Du khách còn có cơ hội thưởng thức Zat Pwe, một loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống, được trình diễn trên các sân khấu dã chiến được dựng lên trong lễ hội này.
Lễ hội Múa voi
– Thời gian: tổ chức trong 2 ngày bắt đầu từ một ngày trước rằm Thadingyut và ngày rằm
– Địa điểm: Kyaukse, cách khoảng 40km về phía đông nam của Mandalay
Lễ hội này được tổ chức vào tháng Mười tại Kyaukse, nơi người dân tham gia một cuộc thi nhảy múa trong trang phục voi để kỷ niệm sự kiện. Các nam giới tham gia cuộc thi theo cặp, họ sẽ bắt chước các chuyển động của con voi và thi tài để thực hiện điệu múa voi đẹp nhất. Những bộ trang phục voi được làm thủ công từ vải sáng màu, tre và những chi tiết lấp lánh. Mỗi năm, các bộ trang phục mới được tạo ra, đảm bảo rằng không có bộ nào giống nhau trong các màn trình diễn. Trong lễ hội này, người dân địa phương cũng dâng cúng đồ lễ và đóng góp cho chùa và các sư sãi.
Tháng 11 – tháng của nhiều lễ hội độc đáo
Cuộc thi dệt y phục thâu đêm
– Thời gian: Lễ này được tổ chức trước ngày Rằm Tazaungmone
– Địa điểm: Chùa Shwedagon, Yangon, và những ngôi chùa khác khắp đất nước
Truyền thống này đã được duy trì suốt nhiều thế kỷ vào tháng Mười Một tại Chùa Shwedagon ở Yangon và nhiều chùa khác trên khắp Myanmar. Mục đích của cuộc thi là tìm ra người có thể dệt được một chiếc cà sa trong thời gian ngắn nhất. Áo cà sa phải hoàn thành trong đêm, bởi vì vào sáng hôm sau, nó sẽ được dâng lên Phật. Các nhóm thợ dệt sẽ làm việc chung để hoàn thành chiếc cà sa. Người nào không hoàn thành áo trong đêm sẽ bị coi là không thành công. Đây là một cuộc thi rất đặc biệt, không chỉ giúp bảo tồn nghề dệt cà sa truyền thống mà còn tạo cơ hội cho mọi người tham gia làm công đức.
Lễ hội Khinh khí cầu
– Thời gian: được tổ chức trong tháng Mười một trong ba ngày từ ngày rằm Tazaungmone
– Địa điểm: Taunngyi, miền nam bang Shan
Lễ hội này, còn được biết đến với tên gọi Lễ Hội Trung Thu Tazaungdaing, diễn ra ở Bang Shan vào tháng Mười Một. Người dân từ khắp nơi tụ tập tại Taunggyi để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những chiếc khinh khí cầu bay trên bầu trời. Vào ban ngày, các khinh khí cầu có hình dáng các công trình chùa chiền, trong khi vào ban đêm, chúng lại mang hình những con vật. Ngoài các khinh khí cầu, lễ hội còn có các hoạt động như đốt nến và bắn pháo hoa. Đây cũng là dịp để mọi người làm từ thiện, dâng cúng đồ ăn và tiền bạc cho các sư sãi, thể hiện lòng thành kính và công đức.
Ngày rằm Tazaungmon
– Thời gian: tổ chức vào đúng ngày rằm Tazaungmone
– Địa điểm: cả nước
Tết Trung Thu vào tháng Mười Một được tổ chức trên khắp Myanmar, đánh dấu thời điểm kết thúc mùa mưa. Trong dịp lễ này, người dân sẽ dâng 9.999 ngọn nến lên Chùa Koehtatkyi ở Yangon. Con số 9 được cho là mang lại sự may mắn, xua đuổi tà ma và bệnh tật. Lễ hội còn bao gồm việc phát nhạc truyền thống cúng dường Đức Phật, và nhiều ngọn nến được thắp lên đồng loạt khắp nơi. Cuối cùng, hàng nghìn ngọn nến chiếu sáng toàn bộ chùa, tạo nên một cảnh tượng huyền ảo. Du khách rất thích tham gia lễ hội này vì họ có cơ hội chiêm ngưỡng một cảnh tượng tuyệt vời và đầy ấn tượng.
Tháng 12: Lễ chùa Kyaik-Hti-Yo
– Thời gian: Được tổ chức vào ngày giao thừa hàng năm
– Địa điểm: “Chùa Đá” Kyaik-hti-yo, Bang Mon
Vào tháng Mười Hai, người Mon tổ chức lễ hội ánh sáng tại Chùa Đá Vàng Kyaik-hti-yo ở Bang Mon. Trong lễ hội này, người dân địa phương trang trí chùa bằng 9.000 ngọn đèn cầy và 9.000 bông hoa. Ánh sáng từ những ngọn đèn cầy chiếu rọi khắp ngôi chùa, tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp thu hút cả người dân và du khách. Vào sáng ngày hôm sau, các tín đồ sẽ dâng cúng gạo, bánh kẹo và nhiều đồ lễ khác. Khuôn viên chùa thường rất đông đúc vì mọi người đều muốn được chiêm ngưỡng không gian của ngôi chùa trong dịp lễ. Du khách còn có thể tận hưởng khí hậu mát mẻ, dễ chịu của vùng núi nơi ngôi chùa tọa lạc.
Kết luận
Các lễ hội ở Myanmar không chỉ phản ánh nền văn hóa Phật giáo mạnh mẽ mà còn thể hiện sự gắn kết cộng đồng, lòng hiếu khách và lòng kính trọng đối với tổ tiên. Mỗi lễ hội đều mang trong mình một ý nghĩa riêng biệt, từ việc cầu nguyện cho sự bình an, may mắn cho đến việc bảo vệ và phát triển cộng đồng. Tham gia vào các lễ hội này, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp văn hóa độc đáo của Myanmar mà còn cảm nhận được sự ấm áp, hiếu khách và lòng mến khách của người dân nơi đây.
Hãy lên kế hoạch cho chuyến du lịch Myanmar và tham gia vào những lễ hội đặc sắc này để trải nghiệm một nền văn hóa độc đáo và đa dạng!